Chặng đường gần 40 năm đổi mới đã ghi dấu một Việt Nam kiên cường, bứt phá và khát khao phát triển. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, với thu nhập bình quân đầu người vẻn vẹn 96 USD vào năm 1989, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2025, sẽ bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao, tương đương mức trên 5.000 USD/ người/ năm.
Có thể thấy, kỳ tích này không chỉ là kết quả của đường lối phát triển đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng với những cải cách táo bạo, quyết đoán về thể chế, chính sách và hội nhập mà còn là thành quả của tinh thần lao động chăm chỉ, sáng tạo, ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc ta. Điều đáng tự hào hơn nữa là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn cao gấp đôi mức trung bình của các quốc gia đang phát triển, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu.
Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều DN tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế
Đặc biệt, từ một nền kinh tế nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt Nam đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Những thành tựu đạt được không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn bao gồm những tiến bộ to lớn về xã hội, góp phần mang lại đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Thành công này có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới, kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu, nền kinh tế chủ yếu dựa vào khu vực nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thì trong hai thập niên trở lại đây, nhất là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 năm 2011 và Trung ương ban hành Nghị quyết 10 năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Kinh tế tư nhân – động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng kinh tế
Với gần một triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Qua đó, kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này, chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Cụ thể, ngày 17/03/2025 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định: “Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước”. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ kinh tế tư nhân hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, động lực tăng trưởng truyền thống đang suy giảm, kinh tế tư nhân trở thành trụ cột quan trọng, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Những cải cách mạnh mẽ về thể chế, môi trường kinh doanh và nguồn lực đầu tư sẽ là nền tảng để khu vực này phát huy hết tiềm năng, tạo ra những bước nhảy vọt trong thời gian tới.
Kể từ sau Đại hội VI năm 1986, Việt Nam bước vào công cuộc Đổi mới với quyết tâm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một trong những quyết sách quan trọng nhất của thời kỳ này là khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xem đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển đất nước.
Gần 40 năm trôi qua, khu vực kinh tế tư nhân đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến các tập đoàn tư nhân quy mô lớn có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Theo tìm hiểu của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân năm 2024 đóng góp khoảng 46,42% GDP, tạo ra hơn 85% việc làm trên cả nước. Cùng với sự phát triển không ngừng của thị trường, kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Điển hình, các tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Masan, FPT, Thaco đã chứng minh rằng DN Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm khu vực và quốc tế. Sự thành công của các DN này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần tạo nên hình ảnh một Việt Nam năng động, sáng tạo trên bản đồ kinh tế thế giới.
Trong đó, Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 55% vào tăng trưởng kinh tế. Dù còn nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên khu vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần được khơi thông để phát huy hết tiềm năng.
Cạnh đó, DN tư nhân Việt Nam phần lớn vẫn có quy mô nhỏ, thiếu vốn, năng lực quản trị còn hạn chế và chưa tận dụng hiệu quả công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này khiến khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, ở khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, 56% tổng vốn đầu tư xã hội và tạo ra hơn 82% việc làm. Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới với mục tiêu tăng trưởng cao.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và đạt mức hai con số giai đoạn 2026-2030, sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân sẽ là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này. Tìm hiểu của Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE và Tạp chí DN&TTVN cho thấy lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm tới 97% số DN trong cả nước, tương đương khoảng gần 800.000 DN, đóng góp gần 40% cho GDP. Tuy nhiên, phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ, gặp nhiều rào cản trong tiếp cận vốn, đất đai và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Chính vì vậy, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực bứt phá, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Chính phủ.
Có thể khẳng định, kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp đáng kể vào GDP và tạo nhiều việc làm. Thế nhưng, khu vực này vẫn gặp không ít trở ngại, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, nâng cao năng lực quản trị và ứng dụng công nghệ. Từ đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là yêu cầu cấp thiết. Cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn về tín dụng, đất đai, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Khi DN tư nhân đủ sức vươn lên, nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%-7% trong năm 2025 và tiến tới tăng trưởng hai con số, Việt Nam không thể chỉ phụ thuộc vào đầu tư công hay khu vực DN nhà nước, mà cần dựa vào sức mạnh của DN tư nhân. Trong quá khứ, đầu tư tư nhân từng chiếm gần 45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực này đang chậm lại do nhiều nguyên nhân như khó khăn trong tiếp cận vốn, chi phí tài chính cao và sự bất ổn của môi trường kinh doanh toàn cầu. Để vực dậy động lực này, cần tập trung cải cách thể chế, cải thiện điều kiện tiếp cận vốn và tháo gỡ rào cản pháp lý để DN tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn.
Tổng Bí thư: Đây chính là thời điểm để hành động
Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều DN tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, DN Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Tuy nhiên, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh.
Những hạn chế phát triển của DN tư nhân xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh.
Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với DN nhà nước và DN đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách.
Kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đều tin tưởng rằng nếu Nhà nước có thể chế phù hợp, chính sách đúng đắn và môi trường kinh doanh thuận lợi, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để sinh trưởng khỏe mạnh, bứt phá mạnh mẽ, không chỉ giúp kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng cao mà còn sớm đưa nước ta thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới.
Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.
(Trích từ bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam
thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm)
TS. Hồ Minh Sơn