Quang cảnh buổi tọa đàm
Ngày 24/9, Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn pháp luật Minh Sơn tổ chức tọa đàm “Phát triển du lịch trang trại, những vấn đề pháp lý liên quan”. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều chuyên gia đã nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện mô hình trang trại kết hợp du lịch. Với sự chia sẻ chân thành từ kinh nghiệm và sự lắng nghe sâu sắc ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, khách mời tham dự, nhiều khía cạnh quan trọng đã được làm rõ.
Chủ trì buổi tọa đàm là Tiến sĩ, Nhà báo Hồ Minh Sơn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam. Tham dự có TS. Bùi Đặng Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, PGS.TS Bùi Quang Hải – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. Đoàn Mạnh Cương – Văn phòng Quốc hội, TS. Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Phong trào, cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VIII, Ths. Lê Xuân Thăng – nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, và Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh – Ban Chấp hành Hội Luật gia Thừa Thiên Huế.
Kỹ sư. Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, buổi tọa đàm còn có sự hiện diện của Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, cùng hơn 50 doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư, mang lại những góc nhìn đa chiều về tiềm năng phát triển du lịch trang trại bền vững tại Việt Nam.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam
Du lịch trang trại, hay còn gọi là "farmstay", là sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và nông nghiệp, giúp khách du lịch trải nghiệm cuộc sống tại các trang trại. Tiến sĩ Hồ Minh Sơn đã nhấn mạnh rằng du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh, mang lại tiềm năng to lớn cho các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để phát huy được hết tiềm năng, cần có những chính sách hỗ trợ rõ ràng về quản lý đất đai, cũng như việc xây dựng các tour tuyến liên kết giữa các tỉnh thành.
PGS.TS Bùi Quang Hải – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
PGS.TS Bùi Quang Hải trong tài liệu của mình đã chỉ rõ những hạn chế hiện tại của du lịch trang trại. Hầu hết các mô hình du lịch trang trại còn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư bài bản, khiến dịch vụ cung cấp không đồng đều và không ổn định. Ông nêu rõ, hiện chỉ có 30 trang trại tại 13/32 tỉnh thành ở Việt Nam cung cấp dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, trong khi nhiều địa phương vẫn chưa phát triển hoặc chỉ mới bắt đầu khai thác mô hình này.
Để phát triển du lịch trang trại bền vững, PGS.TS Bùi Quang Hải đề xuất giải pháp quan trọng là phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Hiện nay, lao động tham gia vào du lịch trang trại chủ yếu là nông dân chưa qua đào tạo, dẫn đến sự thiếu hụt về kỹ năng và chất lượng dịch vụ. Vì vậy, việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nông dân là cần thiết để nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch trang trại.
Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh – Ban Chấp hành Hội Luật gia Thừa Thiên Huế
Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh đã trình bày về những vấn đề pháp lý cần quan tâm trong phát triển du lịch nông nghiệp, bao gồm quản lý tài nguyên đất đai và các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc phát triển mô hình du lịch trang trại không chỉ đòi hỏi sự tuân thủ pháp lý mà còn cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
TS. Bùi Đặng Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội
Tại buổi tọa đàm, TS. Bùi Đặng Dũng đã chia sẻ về vấn đề tài chính và ngân sách trong việc phát triển du lịch nông nghiệp. Ông nhấn mạnh, việc phát triển du lịch trang trại không chỉ cần vốn đầu tư mà còn phải quản lý tốt tài chính công để tạo ra những chính sách hỗ trợ phát triển bền vững.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Phong trào cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng ban Phong trào cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trình bày chủ đề “Trang trại nông nghiệp – Hoạt động du lịch & những vấn đề pháp lý liên quan”. Trong phần trình bày, ông nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển trang trại nông nghiệp và hoạt động du lịch, đồng thời chỉ ra các thách thức pháp lý cần giải quyết để thúc đẩy mô hình này. Ông cũng nêu bật vai trò của việc hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt trong quản lý đất đai và quyền sử dụng tài nguyên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại kết hợp du lịch phát triển bền vững.
Thạc sĩ Lê Xuân Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam
Thạc sĩ Lê Xuân Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đã đưa ra những định hướng về xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ông cho rằng việc nhận diện hình ảnh và xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, đồng thời góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Văn Bắc - VPTT Trung tâm khuyến nông Quốc Gia
Ngoài ra, việc xây dựng các mô hình farmstay chuyên nghiệp và liên kết giữa các trang trại cũng được khuyến khích. Ông Nguyễn Văn Bắc - VPTT Trung tâm khuyến nông Quốc Gia, nhấn mạnh rằng, để đạt được sự phát triển bền vững, các trang trại cần liên kết với các công ty lữ hành và ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý và quảng bá sản phẩm du lịch, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm của du khách.
Nhiều ý kiến đóng góp tại buổi tọa đàm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa ngành du lịch và ngành nông nghiệp trong việc triển khai các chương trình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các hoạt động ưu tiên bao gồm chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, ứng dụng công nghệ, đầu tư hạ tầng, và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho nhân lực tại các điểm du lịch nông nghiệp.
Đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Phúc (Bình Phước) cho biết, hiện các chủ nông trại quy mô lớn đang gặp nhiều khó khăn về thủ tục đất đai khi muốn phát triển du lịch. Công ty này sở hữu quỹ đất hàng trăm ha với nhiều công trình như vườn hoa, cột cờ cầu, nhưng để phát triển du lịch, họ phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tuân theo quy định đấu giá đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai mới, có hiệu lực từ ngày 1/8, được kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc này, giúp các đơn vị có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng hoạt động du lịch nông nghiệp.
Đồng thời, việc xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng chất lượng cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng được đề xuất, cùng với kế hoạch truyền thông thương hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với bao bì, nhãn mác riêng cũng sẽ được chọn lọc để phục vụ khách du lịch.
Ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An chia các vướng mắc khi làm các dự án nông nghiệp
Buổi tọa đàm đã mở ra nhiều giải pháp và định hướng mới cho sự phát triển của du lịch trang trại tại Việt Nam. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và đại diện các doanh nghiệp, buổi tọa đàm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chính sách pháp lý cụ thể, phát triển nhân lực và tăng cường hợp tác giữa các tỉnh thành để khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp.
Các đại biểu, diễn giả, khách mời và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm sau buổi tọa đàm kéo dài hơn 4 giờ.
Sự kiện cũng mang đến thông điệp rằng, du lịch trang trại không chỉ là cơ hội phát triển kinh tế mà còn là cách bảo tồn văn hóa, kết nối con người với thiên nhiên và giúp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao đời sống người dân. Việc triển khai các mô hình du lịch trang trại bền vững là con đường hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc đã trao tặng 500 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3
Sự kiện không chỉ bàn về du lịch trang trại mà còn đề cao tinh thần trách nhiệm xã hội. Tại tọa đàm, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc đã trao tặng 500 triệu đồng để hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đây là minh chứng cho sự kết hợp giữa phát triển kinh tế và tinh thần tương thân tương ái, góp phần xây dựng một cộng đồng bền vững.
Doanh nhân Phan Thị Hậu - GĐ Cty dược liệu Hồng Phát Kon Plông Kon Tum
Doanh nhân Phan Thị Hậu, Giám đốc Công ty Dược liệu Hồng Phát Kon Plông, Kon Tum, đã tài trợ cho chương trình tọa đàm và đóng góp những món quà giá trị từ chính các sản phẩm do công ty sản xuất. Sự hỗ trợ của bà Hậu không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội mà còn giúp quảng bá các sản phẩm dược liệu địa phương, góp phần vào sự thành công của chương trình và lan tỏa giá trị sản phẩm dược liệu sạch, an toàn đến cộng đồng.
Trong tương lai, với sự hỗ trợ về chính sách và sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương, du lịch trang trại có thể trở thành một lĩnh vực đột phá, mang lại lợi ích to lớn cho cả nền kinh tế và xã hội. Buổi tọa đàm đã mở ra những hướng đi mới và đề xuất các giải pháp thiết thực cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.
Minh Châu