Cụ thể, sáng ngày 08/04/2025, tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, Tp.HCM, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức buổi tham vấn pháp lý bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến cho các độc giả, các doanh nghiệp thành viên, các doanh nghiệp nông nghiệp và trang trại liên quan đến Quyết định 629/QĐ-BTNMT ngày 03/4/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Nghị định 101/2024/NĐ-CP và Luật Đất đai 2024…
Tại đây, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã lắng nghe câu hỏi, giải đáp các thắc mắc một cách cụ thể như sau:
Thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định 629/QĐ-BTNMT ngày 03/4/2025 về việc công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Trình tự thực hiện:
Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Văn phòng đăng ký đất đai; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm: Kiểm tra tính đầy đủ của thành phần hồ sơ, tính thống nhất về nội dung thông tin giữa các giấy tờ, tính đầy đủ của thông tin và hẹn trả kết quả theo mẫu quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thành phần hoặc không đảm bảo tính thống nhất nội dung thông tin giữa các giấy tờ không đầy đủ thông tin theo quy định thì không tiếp nhận và trả hồ sơ cho người yêu cầu tách thửa hoặc hợp thửa đất, đồng thời hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định; Trường hợp bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau: Kiểm tra hồ sơ, đối chiếu quy định tại Điều 220 Luật Đất đai 2024 để xác định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; kiểm tra các thông tin về người sử dụng đất, ranh giới, diện tích, loại đất của các thửa đất trên hồ sơ lưu trữ, hồ sơ do người sử dụng đất nộp.
Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ khi thực hiện thủ tục tách thửa hoặc hợp thửa đất bao gồm: Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai; Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện; Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực; Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).
Chi tiết các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp theo quy định mới nhất
Căn cứ theo Điều 4, Nghị định 102/2024/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp.
Cụ thể, đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau: Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên; Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
Trong đó, đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần. Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau: Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng; Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ; Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.
Điển hình, đất nuôi trồng thủy sản là đất sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản; đất chăn nuôi tập trung là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; đất làm muối là đất sử dụng vào mục đích sản xuất muối từ nước biển. Đất nông nghiệp khác gồm: Đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm, thực nghiệm; Đất xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi kể cả các hình thức trồng trọt, chăn nuôi không trực tiếp trên đất; Đất xây dựng công trình gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp gồm đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại để phục vụ cho người lao động; đất xây dựng công trình để bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác. Do vậy, các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp được quy định như trên.
Kể từ ngày 15/04/2025 - Người dân Long An được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất
Mới đây, UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định số 32/2025/QĐ-UBND quy định về việc sử dụng một diện tích đất nông nghiệp để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Long An; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo quy định mới, công trình xây dựng phải đảm bảo không sử dụng vào mục đích để ở, kinh doanh hoặc các mục đích khác ngoài sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc xây dựng không được ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, đê điều, đất liền kề hay vi phạm lộ giới.
Các công trình được phép xây dựng chỉ gồm một tầng, không có tầng hầm, chiều cao không vượt quá 5 mét và bắt buộc phải có kết cấu bán kiên cố. Sau khi không còn nhu cầu sử dụng, người dân phải tự tháo dỡ và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của đất nông nghiệp.
Diện tích xây dựng được xác định tùy theo quy mô đất: từ 5.000m² đến dưới 10.000m² được xây tối đa 25m²; từ 10.000m² đến dưới 20.000m² là 50m²; từ 20.000m² đến dưới 50.000m² là 75m²; và trên 50.000m² là tối đa 100m². Người dân sở hữu nhiều thửa đất liền kề có thể cộng dồn diện tích để xác định tổng diện tích được xây dựng nhưng vẫn phải tuân thủ mức tối đa theo quy định.
Phú Quốc (ghi nhận trực tiếp tại chương trình tham vấn)/ Tạp chí DNTTVN