Siêu thị Umisu quảng bá bảng hiệu “Siêu thị hàng đẹp giá rẻ chỉ từ 15k”, giăng bẫy giá rẻ nhưng khi vào bên trong, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy rằng đa số các sản phẩm đều có giá cao hơn rất nhiều, thậm chí có những món hàng bị “đội giá” một cách vô lý.
Thời gian qua, Tạp chí DN&TT VN, liên tục nhận được thông tin của hội viên Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và bạn đọc tại quận Tân Phú về việc “Siêu thị Umisu” kinh doanh đa dạng các sản phẩm, mỹ phẩm có tiếng nước ngoài nhưng không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhưng được siêu thị Umisu bày bán và quảng cáo là “siêu thị hàng siêu rẻ giá chỉ từ 15k”. Đây là hành vi không chỉ tạo cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường, mà còn làm gia tăng tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, trái với quy định của pháp luật Việt Nam.. Bởi vì, theo quy định của pháp luật, nhãn phụ được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu. Tuy nhiên, tại siêu thị Umisu vẫn ngang nhiên bày bán hàng hóa không nhãn phụ tiếng Việt một cách công khai. Việc này rất đáng lo ngại nguy cơ tiềm ẩn, gây nhầm lẫn đến người tiêu dùng, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Đa dạng các loại sản phẩm, mỹ phẩm như: dầu gội, sữa tắm, nước rửa tay, nước giặt, sữa rửa mặt... được siêu thị Umisu trưng bày rất bắt mắt, thương hiệu nước ngoài, bao bì như các sản phẩm nổi tiếng nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Nghi ngờ đây là các dòng sản phẩm có thể được làm giả rồi tuồn ra thị trường?
Qua khảo sát thực tế tại siêu thị Umisu có địa chỉ tại 592 - 594 Lũy Bán Bích, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM, phóng viên đã ghi nhận hàng loạt dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đúng như phản ánh đầy bức xúc và chính đáng từ người dân địa phương. Tại các kệ hàng, nhiều sản phẩm tiêu dùng phổ biến như: đồ gia dụng nhà bếp, sản phẩm vệ sinh, quần áo, túi xách, giày dép, đồ chơi trẻ em, phụ kiện cá nhân. Đặc biệt, các mặt hàng mỹ phẩm vốn là loại sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng được bày bán rất đa dạng, với nhiều thương hiệu nước ngoài, nhưng hoàn toàn không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Tất cả thông tin trên bao bì đều là tiếng nước ngoài không kèm theo bất kỳ bản dịch hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt nào, sản phẩm được đóng gói như các sản phẩm nổi tiếng nhưng rất sơ sài, in ấn mờ nhòe, chữ nghĩa lem luốc, dấu hiệu cho thấy khả năng cao là hàng hóa giả mạo hoặc hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này không chỉ khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn và sử dụng sản phẩm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt trong trường hợp dị ứng, kích ứng da hoặc sử dụng sai công dụng.
Một số đồ chơi trẻ em không tem nhãn phụ, rất dễ trẻ em gây nhầm lẫn vì trẻ nhỏ là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các mặt hàng như đồ chơi hay mỹ phẩm.
Đáng lo ngại hơn một số sản phẩm của trẻ em như: đồ chơi, quần áo, giầy, dép còn thiếu cả nhãn gốc, không ghi rõ nhà sản xuất, xuất xứ hoặc bất kỳ hướng dẫn sử dụng nào dấu hiệu rõ ràng của hàng hóa không rõ nguồn gốc, có thể là hàng nhập lậu hoặc hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật hiện hành. Các sản phẩm thiếu minh bạch như vậy không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định hiện hành về nhãn hàng hóa, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ đối tượng thường xuyên tiếp xúc với các mặt hàng như đồ chơi hay mỹ phẩm. Việc để các sản phẩm như vậy lưu thông công khai trên thị trường là hành vi không thể chấp nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng, phá vỡ môi trường cạnh tranh lành mạnh và gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin xã hội đối với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị.
Đa dạng các loại quần áo giầy, dép nhưng thiếu cả nhãn gốc, không ghi rõ nhà sản xuất, xuất xứ hoặc bất kỳ hướng dẫn sử dụng nào dấu hiệu rõ ràng của hàng hóa không rõ nguồn gốc có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái, vi phạm pháp luật hiện hành, được siêu thị Umisu bày bán trụt lợi từ khách hàng.
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác hàng hóa, siêu thị Umisu còn khiến nhiều khách hàng bức xúc vì hình thức quảng cáo gây hiểu nhầm, thậm chí có dấu hiệu “lừa dối người tiêu dùng”. Cụ thể, tại mặt tiền siêu thị, hàng loạt bảng hiệu, băng rôn in dòng chữ lớn quảng bá rầm rộ: “Siêu rẻ – giá chỉ từ 15k”, kèm hình ảnh bắt mắt các mặt hàng thiết yếu như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Tuy nhiên, khi vào bên trong, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy rằng đa số các sản phẩm đều có giá cao hơn rất nhiều, thậm chí có những món hàng bị “đội giá” một cách vô lý.
Nhiều khách hàng cho biết họ đã cảm thấy bị đánh lừa, mất thời gian và công sức khi kỳ vọng tìm được sản phẩm giá rẻ như quảng cáo, nhưng thực tế lại đối mặt với mức giá khá "rát", không hề tương xứng với thông tin bên ngoài. Hình thức “giăng bẫy giá rẻ” này không chỉ thiếu minh bạch mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín chung của ngành bán lẻ, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng đối với hoạt động kinh doanh tại địa phương.
Các sản phẩm, mỹ phẩm của Siêu thị Umisu không chỉ vi phạm nghiêm trọng về nhãn mác hàng hóa, mà còn quảng cáo gây hiểu nhầm, thậm chí có dấu hiệu “lừa dối người tiêu dùng” với hình thức quảng bá hàng “Siêu rẻ” kèm hình ảnh bắt mắt các mặt hàng thiết yếu như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... khi vào bên trong, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy rằng đa số các sản phẩm đều có giá cao hơn rất nhiều, thậm chí có những món hàng bị “đội giá” một cách vô lý.
Theo Luật sư Đặng Thanh Sâm (Đoàn Luật sư TP.HCM): “Việc bày bán công khai hàng hóa không nhãn phụ tiếng Việt không chỉ vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa mà còn có dấu hiệu của hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc.”
Căn cứ theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa có thể lên tới 120 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi – lên đến 240 triệu đồng – nếu vi phạm do tổ chức thực hiện. Ngoài ra, hàng hóa có thể bị tịch thu, tiêu hủy hoặc buộc tái xuất, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nếu vi phạm bị xử lý.
Đặc biệt, nếu hàng hóa nhập khẩu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chứng nhận chất lượng, thì có thể bị coi là hàng nhập lậu. Khi đó, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 119/2017/NĐ-CP, mức xử phạt có thể lên đến 200 triệu đồng, kèm theo các biện pháp xử lý bổ sung như buộc tiêu hủy hàng hóa, buộc thu hồi sản phẩm, hoặc nộp lại số lợi bất hợp pháp.”
Phải chăng các cơ sở như siêu thị Umisu đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng? Sự thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý những vi phạm rõ như ban ngày khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc siêu thị Umisu bán hàng hóa không đảm bảo nhãn mác không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đáng chú ý, từ những gì ghi nhận thực tế, dư luận cũng không khỏi đặt câu hỏi lớn về tính hợp pháp trong hoạt động của siêu thị Umisu. Với việc kinh doanh công khai nhiều mặt hàng không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thông tin nhà sản xuất, không hướng dẫn sử dụng… thì liệu rằng cơ sở này có đầy đủ giấy phép kinh doanh theo đúng quy định pháp luật hay không? hàng đang được bày bán tại nơi đây có phải là hàng giả, hàng nhái đang được tuồn ra thị trường hay không?
Việc này càng trở nên đáng ngờ khi nhiều sản phẩm thuộc nhóm mỹ phẩm, thực phẩm, phụ kiện cá nhân, đồ chơi trẻ em …vốn là các mặt hàng yêu cầu điều kiện kinh doanh nghiêm ngặt, có sự giám sát chuyên môn hoặc chứng chỉ phù hợp, lại được bày bán tràn lan với giá cả thiếu minh bạch, nhãn mác sơ sài. Không loại trừ khả năng siêu thị Umisu đang hoạt động vượt ngoài phạm vi giấy phép được cấp, thậm chí chưa hề đăng ký đầy đủ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng như UBND phường Hòa Thạnh, Đội Quản lý thị trường, Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM và Công an kinh tế cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ tính pháp lý, giấy phép kinh doanh cũng như điều kiện kinh doanh thực tế của siêu thị này, tránh để tình trạng buôn bán hàng hóa không kiểm soát tiếp diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và môi trường đầu tư địa phương.
Ngọc Hải/Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam