Lần theo phản ánh từ hộp thư bạn đọc của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam. Thị trường nhập lậu, nhập hàng theo đường không chính ngạch các mặt hàng máy móc, hàng công nghệ lỗi thời, hàng phục vụ cho tiêu dùng, cho cơ khí, máy móc nông ngư cơ… hoạt động vô cùng sôi động tài những khu phố, chợ cơ khí của “siêu đô thị” Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó thị trường mua bán xe điện, xe đạp điện đã qua sử dụng gắn mác “made in Japan” công khai mua bán khá nhộn nhịp trên không gian mạng, nền tảng số.
Trang điện tử giới thiệu về cửa hàng xe đạp điện "xách tay" nhưng loại nào củng có?
Theo khảo sát của phóng viên, tại website có tên miền https://xedapdiennhatban.com/ đang hoạt động rầm rộ với hàng trăm mẫu xe đạp điện mang thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Panasonic, Bridgestone, Cannondale..., được quảng cáo là “hàng Nhật xịn”, “hàng nội địa đã qua sử dụng”. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng ít ai biết rằng những chiếc xe này đều nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Truy cập trực tiếp vào trang web https://xedapdiennhatban.com/ thì hiện website này đang rao bán đa dạng mẫu mã xe đạp điện đã qua sử dụng mang các thương hiệu nổi tiếng như Yamaha, Panasonic, Bridgestone, Cannondale.... được giới thiệu là hàng “xách tay”, “tái chế”, “sửa chữa như mới” và được bán ra với mức giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/chiếc, thậm chí hơn cả trăm triệu đồng/chiếc? Hàng công nghệ lạc hậu là cả một lô xe, chứ không phải là chiếc điện thoại nhưng tại sao lại được “xách tay” phải chăng có dấu hiệu của sự buông lỏng quản lý hay tiếp tay của các cán bộ “biến chất” nào đó của cơ quan chức năng liên quan đến các ngành hàng trên?
hàng cũ đã được "mông má" lại tung ra thị trường với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu
Vấn nạn cần có câu trả lời mà dư luận quan tâm, Phóng viên đã liên hệ qua số Zalo được cung cấp trên website, đồng thời tìm hiểu trực tiếp tại địa chỉ 77/4 đường Kênh 19/5, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM theo hưởng dẫn của chủ nhân trang web https://xedapdiennhatban.com/. Mục sở thị cơ sở kinh doanh trên, ghi nhận được cơ sở trên không hề có bảng hiệu, bảng biển nào tại nơi kho hàng theo quy định đăng ký, không có dấu hiệu của một cơ sở kinh doanh hợp pháp theo quy định?. Hoạt động mua bán diễn ra lặng lẽ, dưới hình thức cá nhân giao dịch, không đăng ký, không công khai, như để né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Tại đây, một người đàn ông tên Nguyễn Thành Tài, tự nhận là chủ của số xe đạp điện, cho biết: “Tôi nhập những chiếc xe đạp điện này từ bên Nhật, nói thẳng ra là khi người ta bỏ đi, hết hạn sử dụng của nước họ. Về Việt Nam, tôi sửa chữa lại, thay pin, thay bộ điều khiển, sơn lại cho đẹp rồi bán ra. Xe đã qua sử dụng nhưng chạy vẫn rất tốt.”
Kho hàng được chủ thuê làm bãi chứa hàng "xách tay" xe đạp điện hết date sử dụng tại nước ngoài
Khi được hỏi về các loại giấy tờ như hóa đơn, chứng từ nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ, hay chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, ông Tài trả lời rằng vì không thành lập công ty, chỉ bán lẻ, nên không có hóa đơn: “Tôi chỉ làm nhỏ lẻ, lấy phế liệu về tái chế chứ có công ty đâu mà có hóa đơn với giấy tờ.”
Không chỉ vậy, ông Tài còn chỉ thêm một địa điểm khác tại số 75/8 đường Kênh 19/5, cách vài căn nhà, là nơi dùng làm bãi chứa số lượng lớn xe đạp điện đã qua sử dụng. Tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, có cả kho hàng với số lượng lớn những chiếc xe cũ được xếp chồng, phần lớn đã tróc sơn, rỉ sét, đang chờ “hồi sinh” mông má lại trước khi bán ra thị trường.
Câu trả lời khẳng định “chắc nịch” này của chủ cơ sở không chỉ thừa nhận một hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, mà còn cho thấy một lỗ hổng lớn trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường và thực thi pháp luật về nhập khẩu. Phải chăng ông Tài chủ cơ sở tự tin thừa nhận, việc kinh doanh, nhập hàng có một thế lực nào đó giúp sức..?
Không thể xem đây đơn thuần là hành vi buôn bán xe cũ. Điều đáng lo ngại hơn là xe đã qua sử dụng nhập về Việt Nam không được kiểm định chất lượng, không có chứng nhận an toàn kỹ thuật, không rõ nguồn gốc linh kiện. Những chiếc xe này tiềm ẩn rủi ro cháy nổ, rò rỉ điện, gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là học sinh, sinh viên và đối tượng sử dụng xe đạp điện phổ biến hiện nay. Thời gian gần đây, những vụ cháy nổ liên tiếp xảy ra, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng trong cả nước… nguyên nhân xuất phát chính từ những dòng xe điện, xe đạp điện không rõ nguồn gốc xuất xứ như trên!
Hàng được tập kết với số lượng lớn, không hoá đơn chứng từ theo quy định, có lỗ hổng trong công tác quản lý?
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác, hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm cả phương tiện đã qua sử dụng không rõ nguồn gốc, không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, và theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, hàng hóa không có nhãn mác rõ ràng, tài liệu chứng minh xuất xứ, cũng bị xếp vào loại không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Vậy mà những chiếc xe không giấy tờ, không bảo hành, không kiểm định này vẫn đang hàng ngày lăn bánh ngoài đường phố, trong sự thờ ơ của cơ quan quản lý và sự nhẹ dạ của người tiêu dùng.
Câu hỏi đặt ra là: Cơ chế giám sát ở đâu? Hải quan có kiểm tra được lô hàng “phế liệu” này không? Lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế đã vào cuộc chưa?
Không thể đổ lỗi cho một cá nhân “nhập nhỏ lẻ” hay “không có công ty” để bao biện cho một hành vi vi phạm pháp luật. Trái lại, chính những mô hình buôn bán nhỏ lẻ, rải rác, không đăng ký kinh doanh, không bảng hiệu này lại là mảnh đất màu mỡ cho hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xâm nhập và lan rộng.
Cơ quan chức năng cần nhận thức rằng đây không còn là chuyện buôn bán tự phát, mà là một biểu hiện của tình trạng nhập lậu trá hình, kinh doanh phi pháp và thách thức pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, không thể chỉ dựa vào việc nhắc nhở hay xử phạt hành chính, mà cần có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ và có chiều sâu: Rà soát và truy xuất toàn bộ các điểm kinh doanh xe đạp điện cũ nhập khẩu trên địa bàn phường Sơn Kỳ; yêu cầu người bán cung cấp hồ sơ, hóa đơn, chứng nhận nguồn gốc hợp pháp của từng sản phẩm; Xử lý nghiêm hành vi nhập lậu, vi phạm quy định về xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu; Tăng cường tuyên truyền người dân không nên sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và mất an toàn.
Xe đạp điện cũ Nhật Bản tràn vào Việt Nam không chỉ là vấn đề thị trường, mà là bài toán tổng hợp về kinh tế, môi trường, an toàn xã hội và quản trị quốc gia. Nếu không chấn chỉnh ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ tiếp tục trở thành "điểm đến cuối cùng" cho những thiết bị đã bị thế giới thải loại. Đó là điều không thể chấp nhận trong một nền kinh tế đang hướng tới phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng như Việt Nam hôm nay.
Ngọc Hải/ Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam