Chuyển đổi số - Những yêu cầu đặt ra với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

06/05/2025 10:26

Chuyển đổi số, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp thiết và lâu dài. Không gian mạng mở ra cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ các thế lực thù địch, xuyên tạc, chống phá. Để ứng phó hiệu quả, cần nâng cao nhận thức, tăng cường “miễn dịch” thông tin, hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển truyền thông số chính thống, ứng dụng công nghệ mới, và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

Chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay đang được triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh..., trong đó Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là ba trụ cột chính tạo nên nền tảng cho quá trình này. Việc ứng dụng công nghệ số vào công tác điều hành, quản lý nhà nước không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền mà còn tăng tính minh bạch, cải thiện dịch vụ công, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin, tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội. Tuy nhiên, chính trong quá trình ấy, không gian mạng cũng trở thành môi trường đầy phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với an ninh tư tưởng và nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không gian mạng là môi trường rộng mở, không biên giới, nơi thông tin được chia sẻ nhanh chóng và khó kiểm soát. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang triệt để lợi dụng đặc tính của không gian mạng để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động được ngụy trang dưới vỏ bọc "dân chủ", "nhân quyền", "tự do ngôn luận", "báo chí độc lập", "xã hội dân sự"... nhằm gieo rắc hoài nghi, gây nhiễu loạn thông tin, phá hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã và đang trở thành xu thế tất yếu của mọi quốc gia.

Trong bối cảnh đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trở thành một yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài. Đây không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng tuyên giáo, công an, quân đội hay các cơ quan truyền thông, mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Muốn thực hiện tốt nhiệm

vụ này, trước hết cần nhận diện đúng những thách thức đang đặt ra từ chuyển đổi số và không gian mạng.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là sự gia tăng các hoạt động tấn công mạng, đánh cắp, giả mạo thông tin; lan truyền thông tin sai lệch, độc hại; kích động chống phá, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và giữa nhân dân với chính quyền. Những hoạt động này thường được tổ chức bài bản, có sự hậu thuẫn từ bên ngoài và được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, từ các bài viết, hình ảnh, video clip, đến các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các kênh YouTube, TikTok, diễn đàn, ứng dụng nhắn tin mã hóa...

Trước tình hình đó, việc nâng cao nhận thức, năng lực "miễn dịch" thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là vô cùng cần thiết. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, trang bị kiến thức nền tảng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Song song, cần phát triển hệ sinh thái truyền thông số cách mạng, lấy thông tin chính thống làm chủ đạo, định hướng dư luận xã hội, đẩy lùi thông tin xấu độc.

Bên cạnh đó, phải xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý không gian mạng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận đi đôi với trách nhiệm công dân trên không gian số. Cần siết chặt việc xử lý vi phạm, nhất là những hành vi lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và tổ chức; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với các tổ chức phản động lưu vong, các chiến dịch tuyên truyền chống phá từ bên ngoài.

Để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong kỷ nguyên số, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng truyền thông hiện đại. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải là người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm gương cho quần chúng noi theo. Đồng thời, cần phát huy vai trò của thế hệ trẻ – những người am hiểu công nghệ, có tư duy đổi mới sáng tạo – trong  mặt trận đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng.

Cùng với đó, cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning) ... trong việc phát hiện, cảnh báo sớm các hoạt động chống phá tư tưởng. Đặc biệt, phải phát triển các nền tảng số sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam), bảo đảm an ninh dữ liệu quốc gia, kiểm soát thông tin trên các nền tảng xuyên biên giới, khắc phục sự lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

Việc thực hiện chuyển đổi số toàn diện phải gắn chặt với yêu cầu nâng cao sức mạnh "mềm" về tư tưởng, văn hóa; nâng cao năng lực bảo vệ nền tảng tư tưởng từ trong nội tại từng tổ chức đảng, từng cơ quan, địa phương, đơn vị. Cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền sinh động, sáng tạo, dễ tiếp cận, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông số như bản tin âm thanh, hình ảnh - podcast, hình ảnh thông tin trực quan - infographic, phát trực tiếp - livestream, phim ngắn, chiến dịch hashtag... phù hợp với thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng trẻ tuổi.

Từ thực tiễn và yêu cầu của thời đại, có thể khẳng định rằng: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định đối với vận mệnh của chế độ. Đó là cuộc chiến không tiếng súng nhưng rất cam go, đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và sự đoàn kết toàn dân tộc. Kiên định, đổi mới, chủ động, sáng tạo và kiên cường – đó là phương châm hành động để chúng ta vững bước trên mặt trận tư tưởng, làm chủ không gian mạng, giữ vững niềm tin của nhân dân, xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời đại mới.

Thái Quý – Thái Dương

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp