Ngày 21.2, ThS-BS Phan Lê Minh Tiến - Khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho hay, bệnh viện vừa tiếp nhận và xử lý một bé trai 14 tuổi (ngụ TP.HCM) bị thắt nghẹt da quy đầu trong tình trạng sưng nề tiến triển.
Các bác sĩ tiến hành tụt lại da quy đầu và cắt da quy đầu cho bệnh nhi - Ảnh: BVCC
Bé trai này bị hẹp da quy đầu lâu ngày. Sau khi tắm, em tự tụt da quy đầu xuống nhưng không thể đưa về lại vị trí ban đầu, gây ra tình trạng thắt nghẹt da quy đầu và bị sưng nề tiến triển.
“Chúng tôi phải tiến hành tụt lại da quy đầu và cắt da quy đầu để tránh tái phát”, bác sĩ Tiến cho biết.
Theo bác sĩ Tiến, thắt nghẹt da quy đầu là tình trạng nghiêm trọng ở bé trai. Trong đó phần da quy đầu bị kẹt lại phía sau quy đầu và không thể trở lại vị trí bình thường. Tình trạng này có thể gây nghẽn tuần hoàn máu, sưng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy đầu nếu không được can thiệp kịp thời.
Trẻ gặp tình trạng thắt nghẹt da quy đầu thường có các biểu hiện như quy đầu sưng nề, đỏ và đau; vùng da quy đầu phía sau bị thắt chặt, có màu tím tái; trẻ có thể khóc nhè, khó chịu và có biểu hiện khó đi tiểu.
Để xử lý tình trạng này có thể dùng tay nhẹ nhàng đẩy da quy đầu trở lại vị trí ban đầu. Tuy nhiên cần sự can thiệp y tế để bác sĩ thăm khám. Trong tình huống nghiêm trọng bác sĩ có thể rạch nhỏ trên bao quy đầu, hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu được xem là giải pháp cuối cùng.
“Hằng ngày phụ huynh nên giúp trẻ giữ vệ sinh vùng kín, phòng ngừa viêm nhiễm. Không tự ý kéo da quy đầu, việc này nên được thực hiện bởi bác sĩ. Khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe và chức năng sinh sản trong tương lai cho trẻ”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.