Tiểu thương chợ Dương Đông 'khóc ròng' vì bị bắt di dời

16/04/2025 13:18

Khoảng 30 tiểu thương buôn bán tại chợ Dương Đông, TP Phú Quốc (Kiên Giang) đang khóc ròng khi Công ty và chính quyền địa phương buộc phải di dời đến khu chợ nhà lồng không có người mua để tiếp tục buôn bán.

Theo trình bày của bà Trần Thị Hương (62 tuổi) buôn bán tại chợ Dương Đông cho biết, trước đây chợ buôn bán bình thường sau đó địa phương cấp phép cho Công ty TNHH MTV Nam Dương đầu tư xây dựng chợ nhà lồng để cho các tiểu thương vào buôn bán. Lúc đầu có hơn 100 tiểu thương buôn bán tại chợ nhà lồng, nhưng do không bán được, các tiểu thương nghỉ dần dần hết. Có khoảng 30 tiểu thương còn lại mới kiến nghị với Ban quản lý chợ cho ra ngoài bán vẫn đóng các loại tiền đầy đủ theo tháng.

Khu vực chợ Dương Đông nơi có khoảng 30 tiểu thương buôn bán - Anh Dương Đông

Khu vực chợ Dương Đông nơi có khoảng 30 tiểu thương đang buôn bán - Ảnh Dương Đông

“Để được ra ngoài bán, một tiểu thương phải đóng cho ông Dũng và bà Hồng (em của chủ đầu tư) 10 triệu đồng. Chúng tôi buôn bán ở khu vực hiện tại từ đó đến giờ khoảng được 10 năm nay, thế nhưng thời gian gần đây Công ty Nam Dương cùng chính quyền yêu cầu chúng tôi vào chợ nhà lồng để bán với lý do đảm bảo an ninh phòng cháy chữa cháy. Trong khu chợ nhà lồng xa đường, không có ai vào trong đó để mua bán, giờ buôn bán đã khó, ép vào trong lại càng khó hơn. Chúng tôi vẫn thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê mặt bằng, tiền rác hàng tháng đầy đủ cho đại diện Ban quản lý chợ” bà Hương nói.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Sa (62 tuổi) cho hay, bà buôn bán ở chợ được 40 năm nay, trước kia chợ này là chợ truyền thống, từ mấy thế hệ trước, dân chúng tôi bán rất yên ổn, vẫn đóng tiền hoa chỉ đầy đủ. Từ khi Công ty Nam Dương qua chợ Dương Đông để thành lập lại chợ mới để cải thiện đời sống cho bà con, thì bà con vẫn đồng tình chợ mới xanh sạch đẹp. Thế nhưng sau khi xây lên công ty bán lô lại cho các tiểu thương với giá khác nhau thì các tiểu thương vẫn đồng ý mua lô để bán.

Khu chợ nhà lồng nơi công ty và chính quyền di dời các tiểu thương vào để buôn bán, chợ vắng bóng người mua - Ảnh Dương Đông

Khu vực chợ nhà lồng nơi công ty và chính quyền địa phương đưa các tiểu thương vào buôn bán vắng bóng người mua - Ảnh Dương Đông

“Sau khi vô lô mua bán, thì phía những gia đình ở ngoài cũng tự phát buôn bán những mặt hàng như các tiểu thương ở trong chợ, không ai buôn bán được, các tiểu thương nghỉ dần hết. Tiểu thương chúng tôi xin Công ty Nam Dương sắp xếp xuống trước mặt chợ để bán thì được công ty đồng ý và mỗi tiểu thương phải đóng thêm từ 10 đến 20 triệu đồng tùy theo mặt hàng kinh doanh. Nhưng bây giờ chuyển vào trong bán, thì chẳng khác nào dập tắt đường sống của người dân chúng tôi” bà Sa bày tỏ.

Bức xúc trước việc bị công ty Nam Dương ép vào trong bà Nguyễn Kim Loan cho biết, hiện chợ truyền thống này đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc kinh doanh. Việc di dời các tiểu thương chợ vào trong nhà lồng để buôn bán không phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, bà Loan cũng cho rằng, các tiểu thương buôn bán ở chợ Dương Đông đang gặp nhiều khó khăn và đang lo ngại về tương lai của mình, rất mong có sự can thiệp và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, đảm bảo sự cân bằng giữa việc phát triển chợ và bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương truyền thống.

Hàng tháng các tiểu thương vẫn đóng tiền cho ban quản lý chợ đầy đủ - Ảnh Dương Đông

Bà Mô Minh Yến cũng cho rằng, trước đây, chợ hoạt động ổn định và thuận lợi cho các tiểu thương địa phương. Tuy nhiên, khi Công ty đầu tư Nam Dương tham gia, họ đã hứa sẽ xây dựng một chợ mới rộng rãi, sạch đẹp hơn để các tiểu thương có thể bán hàng. Thực tế, sau khi xây dựng chợ mới, công ty đã bán các gian hàng cho các tiểu thương với giá rất cao, từ 10-30 triệu đồng tùy theo mặt hàng. Nhiều tiểu thương không đủ khả năng để mua gian hàng, buộc phải rời khỏi chợ. Chỉ còn khoảng 27 tiểu thương trong số hơn 100 hộ trước đây.

“Khi các tiểu thương chúng tôi phản đối và không chấp nhận việc bị dồn ép, công ty đã liên hệ với chính quyền và công an để can thiệp, thậm chí dùng vũ lực để buộc chúng tôi rời khỏi chợ. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn phản ánh lên Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, nhưng không nhận được phản hồi. Hiện tại, chỉ còn khoảng 31 tiểu thương đang bán hàng tại khu vực tạm thời được công ty cho phép”, bà Yến cho hay.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Khoa – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, ông cũng từng đi khảo sát khu vực chợ nơi các tiểu thương buôn bán. Việc di dời vào trong rất khó cho các tiểu thương buôn bán, địa phương đang tính phương án để đảm bảo cho các tiểu thương buôn bán và đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Dương Đông

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp