Thủy sản tận diệt vì nạn khai thác tràn lan

28/09/2024 21:01

Nguồn lợi thủy sản thiên nhiên “trời ban” đang dần cạn kệt, do việc đánh bắt tận diệt của người dân. Trong khi đó, việc đánh bắt và tái tạo đang chênh nhau về khoảng cách, chính quyền địa phương các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã và đang nổ lực để hạn chế việc đánh bắt tận diệt, tìm các biện pháp lâu dài để tái tạo nguồn lợi thủy sảntự nhiên lâu dài và bền vững.

Nguồn lợi thủy sản giảm mạnh

An Giang và Kiên Giang là 2 địa phương có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đây là một trong những địa phương đứng đầu về diện tích trồng lúa của cả nước. Đặc biệt là Kiên Giang có vùng biển rộng lớn làm cho nguồn lợi thủy sản của những địa phương này thêm phong phú và đa dạng về chủng loại.

Cá được người dân đánh bắt được trên các sông lớn thuộc An Giang - Ảnh: Minh Châu

Tại An Giang, nguồn thủy sản nước ngọt trong tự nhiên có khoảng trên 130 loài tôm, cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cá hô, leo, bông lau, chạch lấu, bống tượng, kết, basa, cá linh... Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng đánh bắt cá non không tuân thủ quy định về mùa vụ khai thác đã làm giảm nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên rất nhiều. Theo Chi cục Thủy sản An Giang, 6 tháng đầu năm 2024,sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước đạt: 1.060 ngàn tấn bằng 97,95% so cùng kỳ năm 2023, giảm 14 tấn.

So với An Giang, Kiên Giang có lợi thế vùng biển rộng, nguồn thủy sản nước ngọt và nước mặn phong phú với khoảng 569 loài thủy hải sản, trữ lượng hàng năm khoảng 278. 449tấn. Sản lượng thủy sản khai thác năm 2022 đạt 520.929 tấn; đến năm 2023, sản lượng thuỷ sản khai thác được chỉ đạt 437.199 tấn; và 7 tháng năm 2024, sản lượng khai thác chỉ đạt 245.974 tấn giảm 1.46% so với cùng kỳ.Nguyên nhân là do đánh bắt chưa phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi; khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới kéo, lưới rê, dùng kích điện, hóa chất ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái....

Khảo sát và ghi nhận của phóng viên tại nhiều chợ truyền thống thuộc tỉnh An Giang, Kiên Giang, phát hiện tình trạng người dân bán cá non, cá con vẫn còn nhiều, trong đó cá rô, các lóc….. là được nhiều người bày bán nhất. Bà Danh Thị Năm ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang cho biết, cứ mưa dông xuống là cá rô và cá lóc sinh sản rất nhanh, dùng các ngư cụ để bắt thì một ngày kiếm khoảng hơn 10kg cá con, đem ra chợ bán, tuy giá thành không cao nhưng kiếm được đồng vào đồng ra.

Trong khí đó, tại nhiều vùng thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, người dân cho biết, mặc dù chuẩn bị vào mùa lũ, nhưng mực nước trên các sông vẫn đang còn thấp, kéo theo đó, cá linh và các loại thủy sản khác cũng giảm so với trước. Ông Lê Văn Thành (60 tuổi, ngụ ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) kể, ông làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông hơn 30 năm nay, gia đình chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, nhất là vào mùa nước nổi, cả gia đình đều tập trung đánh bắt cá linh để bán cho các thương lái, nhưng mấy năm nay lũ về ít kéo theo lượng cá cũng giảm dần. Trước đây, người dân ở đây họ thường xuyên kích thước mắt lưới nhỏ, đặt dớn, đáy, sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, hóa chất để khai thác tôm cá. Nhưng từ ngày có quy định xử phạt nặng, hầu như người dân không còn sử dụng những dụng cụ đánh bắt tận diệt để khai thác, tuy nhiên cũng có nhiều người lén lút sử dụng dụng cụ để đánh bắt cá non, khai thác vô tội vạ, khiến nguồn lợi giảm mạnh.

Người dân bán cá rô đồng vừa đánh bắt được tại một chợ ven đường nằm trên đường quốc lộ 80 thuộc huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang - Ảnh Minh Châu

Đánh bắt tận diệt không chỉ xảy ra đối với khai thác thủy sản nước ngọt, tình trạng này còn diễn ra cả trên biển. Theo nhiều ngư dân đánh bắt ghẹ tại khu vực Hàm Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, trong những năm trở lại đây, sản lượng ghẹ đánh bắt trên địa bàn giảm sút nghiêm trọng, nhiều người phải bỏ nghề hoặc bán ghe, tàu để kiếm nghề khác mưu sinh.Ông Trần Văn Đông - Chủ vựa ghẹ ở ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh cho biết, những năm trước đây mỗi ngày cơ sở của ông thu mua của ông thu mua khoảng 500kg mỗi ngày nhưng giờ chỉ thu mua khoảng vài chục kg mỗi ngày.

Tương tự như ông Đông, ông Lâm Văn Bạch - Chủ vựa ghẹ tại ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh cho biết, ông thu mua ghẹ hơn 40 năm nay, nhưng mấy năm trở lại đây, việc thu mua ghẹ trở rất khó khăn, nhiều người đánh bắt ghẹ số lượng rất ít, có người phải bỏ ghề vì sản lượng ghẹ trên địa bàn còn rất ít. Sản lượng ghẹ giảm nhiều, nguyên nhân là do nhiều ghe cào, xuất hiện đánh bắt, tàn phá rất nhiều khu vực biển làm cho ghẹ không còn nơi để sống và sinh sản. Từ khi ghe cào vào "oanh tạc" đến nay hơn ba năm nay không còn một con ghẹ để đánh bắt. Không chỉ bị ghe cào ghẹ oanh tạc, mà nhiều đối tượng lặn bắt ghẹ trứng để bán, nguy cơ ghẹ tuyệt chủng là điều không thể tránh khỏi.Chỉ mong rằng nhà nước quan tâm đến việc bảo tồn và, xử lý tình trạng đánh bắt trái pháp luật, cũng như khoanh vùng đánh bắt, để ghẹ còn có nơi sinh sống và phục hồi.

Bà Trần Thị Nga (một người dân ở TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, tôi không biết, người dân thích ăn kiểu gì lạ, ghẹ trứng, mực trứng, cá có trứng, ghẹ sữa…cá non bày bán đầy trên các chợ với giá rất cao những vẫn luôn hút hàng. Có cầu ắt sẽ có cung, chính những sở thích của người dân thì việc đánh bắt tận diệt thủy sản là điều không thể tránh khỏi. Chính quyền phải xử lý mạnh tay thì mới có thể hạn chế được tình trạng đánh bắt tận diệt được.

Tăng cường tuyên truyền

Ông Trần Anh Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nayđơn vị đã triển khai 8 đợt kiểm tra tình trạng dùngkích thước mắt lưới, đặt dớn, đáy khai thác thủy sản, sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, hóa chấtđể đánh bắt thủy sản, nhưng không phát hiện vi phạm.

Cá con được bày bán tràn lan ở nhiều chợ truyền thống - Ảnh Minh Châu

Trong khi đó, từ năm 2022 đến hết năm 2023 lực lượng chức năng tỉnh An Giang triển khai 42 đợt kiểm tra tuyến sông Hậu, sông Tiền và các sông, kênh, rạch khác trên địa bản và các điểm nóng về khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm. Kiểm tra 209 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện 52 vụ vi phạm về kích thước mắt lưới, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính trên 110 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm (25 dynamo, 27 kích điện, 27 bình ắc-quy). Trong khi đó, các huyện, thị, thành triển khai 88 đợt, kiểm tra 300 phương tiện khai thác thủy sản, phát hiện 90 vụ vi phạm về kích thước mắt lưới, sử dụng công cụ kích điện; xử phạt vi phạm hành chính trên 150 triệu đồng, tịch thu 40 dynamo, 30 kích điện, 30 bình ắc-quy, 20 ngư cụ khai thác trái phép.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, trọng tâm vẫn là tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn phát tán loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại môi trường, với hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tế.Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh, UBND cấp huyện tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với hành vi sử dụng hóa chất cấm, chất độc, xung điện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác thủy sản. Công bố số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời báo tin khi phát hiện trường hợp vi phạm.

Theo Chi cục Kiểm Ngư Kiên Giang cho biết, trong đợt tuần tra cao điểm địa bàn TP Phú Quốc mới đây, lực lượng kiểm ngư đã kiểm tra 9 phương tiện có chiều dài trên 15m, trong đó có 4 phương tiện vi phạm về khai thác thủy sản thì đã có 3 phương tiện khai thác sai vùng.Trong năm 2023, quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng Kiểm ngư phát hiện 117 vụ tàu cá nhỏ hoạt động khai thác gần bờ, không có giấy đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, khi đưa về địa phương đã tiến hành xử lý đến 115 vụ.

Ông Quản Trọng Thao – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sinh thái biển bền vững, tỉnh đã xây dựng Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản như cào bờ, sử dụng xung điện trong khai thác, xâm hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính đối với những chủ tàu hoạt động khai thác hiệu quả, đúng pháp luật. Ngoài ra, địa phương còn tái cấu trúc ngành thủy sản theo hướng cắt giảm số lượng tàu cá, sắp xếp lại ngành khai thác phù hợp, bảo đảm sinh kế cho ngư dân gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Hồ Thị Thanh Hương

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp