Sóc Trăng: Viện thẩm mỹ Papu hoạt động không phép gây nguy hiểm cho người dân

01/12/2024 07:20

Gần đây, Viện thẩm mỹ Papu tại Sóc Trăng bị phát hiện có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động làm đẹp. Dù không đủ điều kiện pháp lý, cơ sở này vẫn thực hiện các dịch vụ y tế xâm lấn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của khách hàng.

Công văn số 1898/SYT-NVYD ngày 17/7/2024 của Sở Y tế Sóc Trăng nêu rõ: "Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu không được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Lý do chính là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật – bà Phan Thị Trúc Phượng – chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15. Cụ thể, bà Phượng chỉ có thời gian hành nghề 8 tháng, trong khi quy định yêu cầu tối thiểu 36 tháng kinh nghiệm."

Văn bản trả lời của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng liên quan đến Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu

Văn bản trả lời của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng liên quan đến Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu 

Dù không được cấp phép, cơ sở này vẫn tiến hành các dịch vụ y tế như nâng mũi, tiêm truyền làm trắng, điều trị nám… Đây là các dịch vụ thuộc phạm vi chuyên môn cao, chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có giấy phép hợp lệ và bác sĩ chuyên môn phù hợp. Điều này vi phạm nghiêm trọng Nghị định 96/2023/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Quảng cáo dịch vụ vượt phạm vi hoạt động như truyền trắng, cấy chỉ căng da trên MXH của Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu

Quảng cáo dịch vụ vượt phạm vi hoạt động như truyền trắng, cấy chỉ căng da trên MXH của Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu

Viện thẩm mỹ Papu đã thực hiện các chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội với những nội dung gây hiểu nhầm, như: “Truyền trắng vừa khỏe vừa không ảnh hưởng đến cơ thể” hay “Chữa nám hiệu quả tuyệt đối”. Theo Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, đây là hành vi bị cấm vì chưa có cơ sở khoa học hoặc chứng nhận từ cơ quan y tế.

Không chỉ vậy, sau khi tiến hành nâng mũi tại cơ sở này, một nữ khách hàng đã gặp biến chứng nghiêm trọng. Chị T.C.L. (37 tuổi, Sóc Trăng) bị đau nhức kéo dài, mặt sưng phù và căng tròn bất thường sau khi uống thuốc Medrol 16 mg suốt 2 tháng theo hướng dẫn từ cơ sở. Kết quả chẩn đoán tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ xác định chị mắc hội chứng Cushing do thuốc và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Bà Phan Thị Trúc Phượng, người chịu trách nhiệm chuyên môn, chỉ có chứng chỉ hành nghề với phạm vi giới hạn ở việc khám chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, bà Phượng lại vượt phạm vi này để tiến hành các dịch vụ xâm lấn, vi phạm nghiêm trọng Thông tư số 41/2011/TT-BYT về quản lý dịch vụ thẩm mỹ.

Trả lời phóng viên Tạp chí Sức khỏe trẻ em về sự việc, bà Phượng nói rằng đã chuyển lên TPHCM, từ chối liên quan đến Hộ kinh doanh Viện thẩm mỹ Papu.

Trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là thẩm mỹ, đạo đức nghề y luôn là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công và uy tín của một cơ sở. Theo Điều 2, Quy định về đạo đức hành nghề y tế (Quyết định số 2088/QĐ-BYT), mọi người hành nghề y cần đặt lợi ích và sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp Viện thẩm mỹ Papu, việc thực hiện các dịch vụ xâm lấn mà không đảm bảo đủ điều kiện pháp lý và chuyên môn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề y.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn không chỉ cần có kỹ năng mà còn phải có ý thức trách nhiệm, trung thực và minh bạch trong tư vấn, điều trị. Việc thiếu hiểu biết hoặc cố tình bỏ qua quy định để trục lợi từ sức khỏe khách hàng không chỉ gây tổn thất về niềm tin mà còn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng của khách hàng. Đây là bài học quan trọng cho các cá nhân và tổ chức trong ngành thẩm mỹ: làm đẹp không thể tách rời trách nhiệm đạo đức và y đức.

Sai phạm tại Viện thẩm mỹ Papu không chỉ xuất phát từ việc thiếu tuân thủ pháp luật của bà Phan Thị Trúc Phượng mà còn đặt ra vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế và Sở Y tế Sóc Trăng trong việc giám sát và cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường hợp của bà Phan Thị Trúc Phượng cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu giám sát và đánh giá năng lực. Dù bà Phượng chỉ có chứng chỉ hành nghề với phạm vi "khám bệnh, chữa bệnh thông thường", nhưng thực tế lại thực hiện các dịch vụ xâm lấn vượt quá phạm vi cho phép. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe khách hàng, như trường hợp chị T.C.L. bị hội chứng Cushing do sử dụng thuốc sai cách. Để bảo vệ quyền lợi và sự an toàn của cộng đồng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và sự giám sát nghiêm ngặt hơn trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Thiên Minh

Dành cho doanh nghiệp