Dược liệu – Giải pháp thay thế bền vững trong y học cổ truyền để bảo vệ động vật hoang dã

15/04/2025 14:14

Sáng ngày 12/04/2025, hội thảo với chủ đề “Y học cổ truyền và Bảo tồn động vật hoang dã - hướng đi từ dược liệu thay thế” đã được tổ chức tại QTSC Building 1 (Công viên phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP.HCM). Chương trình do Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền phối hợp cùng Viện Y Dược Việt, với sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận Choice, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp y học cổ truyền bền vững, không gây tổn hại đến động vật hoang dã và hệ sinh thái.

Phiên thảo luận sôi nổi tại hội thảo giữa Ban tổ chức, các diễn giả và khách mời.

Trong bối cảnh các loài động vật hoang dã đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác quá mức, các chuyên gia nhận định rằng thảo dược và dược liệu có thể trở thành giải pháp hiệu quả và bền vững trong y học cổ truyền, giúp thay thế các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành như: PGS.TS. Nguyễn Phương Dung – Viện trưởng Viện Y Dược Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y TP.HCM; TS.BS. Đoàn Văn Minh – Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Huế; ThS.KS. Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Huế; TTƯT Đặng Thị Phương Thảo – BS CK1, Phó Viện trưởng Viện Y Dược Việt; BS CK1 Trần Ngô Đông – Thành viên hội đồng chuyên môn Y Dược Bách Phương; DS CK1 Bùi Đắc Thắng – Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Phương Dung cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cao. Nguyên nhân đến từ thói quen tiêu dùng, sự thiếu nhận thức về tác hại và cả lợi ích kinh tế từ việc khai thác trái phép." Bà nhấn mạnh vai trò của dược liệu thay thế như một hướng đi bắt buộc và mang tính lâu dài.

PGS. TS. Nguyễn Phương Dung - Viện trưởng Viện Y Dược Việt cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cao.

Trong y học cổ truyền, nhiều loài động vật như tê tê, gấu, hổ, tê giác... từng được dùng để điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, nhu cầu tăng cao khiến nhiều loài rơi vào tình trạng bị săn bắt quá mức và đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.

Theo báo cáo của các tổ chức quốc tế: Hơn 1 triệu cá thể tê tê đã bị giết hại từ năm 2000–2014 (TRAFFIC), số lượng hổ hoang dã chỉ còn khoảng 3.900 cá thể (WWF, 2021), 3/5 loài tê giác hiện nay đang trong diện cực kỳ nguy cấp (IUCN), hơn 12.000 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt để lấy mật tại châu Á (WAP, 2018). Ngoài tổn thất sinh học, việc khai thác và tiêu thụ động vật hoang dã còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và ổn định kinh tế - xã hội.Các chuyên gia nhận định rằng việc thay thế nguyên liệu từ động vật hoang dã bằng dược liệu là một hướng đi không chỉ hiệu quả mà còn nhân văn, an toàn và bền vững.

TTƯT Đặng Thị Phương Thảo cho biết: "Sự kết hợp giữa lý luận y học cổ truyền và các hoạt chất trong thảo dược sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao, đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên."

Cũng tại hội thảo, TS.BS. Đoàn Văn Minh chia sẻ về kế hoạch của Đại học Y Dược Huế trong năm 2025: xây dựng chương trình đào tạo liên tục về bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền, cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc thay thế nguồn gốc động vật cho đội ngũ y sĩ, bác sĩ và lương y trên cả nước.

TS. BS. Đoàn Văn Minh cho biết, trong năm 2025 khoa YHCT của Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) sẽ xây dựng chương trình chuyên môn về bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền.

ThS.KS. Lê Ngọc Tuấn cũng nhấn mạnh rằng hành vi tiêu thụ động vật hoang dã không chỉ trái pháp luật mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái: "Các loài này có thể mang mầm bệnh nguy hiểm, dễ dàng lây sang người trong điều kiện khai thác và nuôi nhốt không đảm bảo."

Theo ThS. KS. Lê Ngọc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thành phố Huế, việc tiêu thụ động vật hoang dã trái phép sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của con người.

Mạng lưới bảo vệ động vật hoang dã trong y học cổ truyền được thành lập vào năm 2022 với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế như TS.BS. Yemeng Chen (New York), GS.TS. Lixing Lao (Virginia) và bà Lixin Huang (Mỹ). Mạng lưới hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng y học cổ truyền và khuyến khích loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng trong điều trị bệnh.

Các đại biểu, khách mời tham dự hội thảo cùng chụp hình lưu niệm.

Hội thảo lần này không chỉ là cơ hội để cộng đồng y học cổ truyền nhìn lại vai trò của mình trong công tác bảo tồn thiên nhiên mà còn là lời kêu gọi hành động để hướng tới một nền y học nhân văn, hiệu quả và bền vững hơn. Dược liệu chính là chiếc cầu nối giúp gìn giữ tinh hoa y học cổ truyền mà không làm tổn thương đến sự sống hoang dã ngoài kia.

Ngọc Hải/ TC Doanh nghiệp & Trang trại Việt Nam

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp