Chiều 17/12, tại An Giang đã diễn ra Hội thảo “Phát triển tài nguyên bản địa và kinh tế địa phương qua liên kết vùng trong bối cảnh cạnh tranh mới”. Bàn các giải pháp phát triển bền vững thông qua khai thác tài nguyên bản địa và gia tăng giá trị kinh tế vùng.
Sầu riêng được nhiều địa phương ở ĐBSCL trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng
Theo chia sẻ của ông Trần Văn Đức - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Bến Tre cho biết, Việt Nam có diện tích dừa đứng thứ 5 thế giới với 196.767 ha, trong đó khu vực ĐBSCL chiếm 89% của cả nước. Cả nước hiện có trên 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, kinh ngạch xuất khẩu năm 2023 trên 900.000.000 USD, hàng năm mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm. Ngành dừa gồm sản xuất thực phẩm, thức uống, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y học, than hoạt tính, thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm dừa… Góp phần vào sự phát triển bền vững của môi trường, hấp thụ carbon, mang lại hiệu quả sử dụng nước. Thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển tốt do điều kiện thổ nhưỡng ở vùng ĐBSCL.
Ông Đức cũng thông tin thêm, cây dừa đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt là cây công nghiệp chủ lực như: Cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, và mong muốn thương hiệu dừa được nâng tầm trong nước và quốc tế. Đồng thời, các địa phương cần có chính sách phát triển toàn diện cây dừa… hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Xây dựng cơ chế hợp tác - phát triển bền vững Nông dân - Doanh nghiệp.
Sầu riêng được trưng bày tại diễn đàn
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Quới – chủ nhà vườn sầu riêng tại Tây Ninh cho rằng, sầu riêng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân ĐBSCL và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong khi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sử dụng đất không bền vững, kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa phù hợp là những thách thức cần giải quyết. Trồng sầu riêng bền vững giúp tăng năng suất, bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn lợi cho thế hệ tương lai.
Muốn trồng sầu riêng bền vững phải chọn giống sầu riêng phù hợp chống chịu tốt với sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu và đạt chuẩn Global G.A.P. Cải tạo đất bằng phân hữu cơ, vi sinh, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương. Giảm sử dụng hóa chất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, biện pháp sinh học, áp dụng IPM (quản lý dịch hại tổng hợp). Áp dụng công nghệ IoT để giám sát sinh trưởng cây trồng, sử dụng drone để kiểm tra và phát hiện dịch bệnh kịp thời, ông Quới cho hay.
Ông Quới cũng nhấn mạnh muốn trồng sầu riêng bền vững phải gắn kết nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã, đảm bảo đầu ra ổn định và hướng tới thị trường xuất khẩu. Chính quyền hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, khuyến khích chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững. Áp dụng phương pháp trồng sầu riêng khoa học, bảo vệ đất đai và nâng cao giá trị nông sản và giảm chi phí sản xuất. Đầu tư vào chuỗi giá trị sầu riêng bền vững, giúp ĐBSCL trở thành trung tâm xuất khẩu sầu riêng hàng đầu.
Tiến sĩ Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam khẳng định, ĐBSCL với vai trò là trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước, cần đẩy mạnh và tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các thách thức hiện hữu và tạo ra các cơ hội phát triển mới. Sự liên kết với TPHCM trung tâm kinh tế, KH&CN hàng đầu - chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này. Thành công của chuyển đổi số không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư - mô hình quan trọng để huy động nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các dự án số hóa tại ĐBSCL.
Nhà quản trị Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng, ĐBSCL đang đứng trước thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để định hình tương lai bền vững. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương, địa phương và cộng đồng quốc tế, ĐBSCL có thể chuyển mình từ một “vựa lúa” truyền thống thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, trở thành hình mẫu cho sự phát triển bền vững ở khu vực Đông Nam Á.
Hoàng Tuấn