Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi trong giao dịch quốc tế

08/04/2025 18:08

Trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong hoạt động gia nhập thị trường và tiến hành kinh doanh là các chi phí để tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động và kinh doanh. Qua đó, các doanh nghiệp (DN) cần thay đổi nhận thức, coi dịch vụ pháp lý không chỉ là chi phí mà còn là khoản đầu tư nhằm phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi trong giao dịch quốc tế. Đồng thời, nhiều DN vẫn chưa thực sự nhận ra tầm quan trọng của việc phòng ngừa rủi ro pháp lý. Thay vì chủ động tư vấn và chuẩn bị trước các phương án ứng phó, họ thường xem đó là vấn đề của cơ quan nhà nước. Trong đó, đối với các DN vừa và nhỏ, chi phí cho dịch vụ pháp lý thường được coi là gánh nặng ngắn hạn.

Có thể thấy, bên cạnh các quy định pháp luật chung về doanh nghiệp, thương mại, thuế…các doanh nghiệp còn phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt của pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực họ kinh doanh. Mặt khác, trong hoạt động kinh doanh, đàm phán, kí kết và thực hiện hợp đồng với khách hàng, đối tác, doanh nghiệp cũng rất cần nắm bắt các qui định của pháp luật, để có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nhu cầu được tư vấn, hướng dẫn về các qui định pháp luật của doanh nghiệp là rất lớn. Ngoài việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý từ các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của Nhà nước là một kênh quan trọng để thỏa mãn nhu cầu về pháp lý của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, DN thông thường có xu hướng đánh giá dựa trên mức chi phí hiện tại, thay vì nhìn vào lợi ích dài hạn từ việc phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo hay các rủi ro pháp lý khác. Một số DN còn ỷ lại vào cơ quan nhà nước. Mặt khác, DN thường cho rằng khi có tranh chấp hay lừa đảo xảy ra, các cơ quan nhà nước sẽ can thiệp để bảo vệ quyền lợi nên họ không cần phải đầu tư vào tư vấn pháp lý. 

Trong bối cảnh xuất khẩu năm 2025 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng đối diện với nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề pháp lý, các DN cần chú trọng đến việc xây dựng “lá chắn” pháp lý vững chắc. Khi lựa chọn dịch vụ pháp lý phù hợp DN cần quan tâm đến các vấn đề cần cân nhắc sau:

Thứ nhất, tư vấn chuyên sâu về hợp đồng xuất khẩu. Hợp đồng xuất khẩu là nền tảng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của DN. Vì vậy, DN cần được tư vấn về điều khoản thanh toán, điều khoản phạt vi phạm, giải quyết tranh chấp, điều khoản bất khả kháng, cũng như các điều kiện về vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa. Việc soát xét hợp đồng kỹ lưỡng sẽ giúp hạn chế rủi ro phát sinh tranh chấp và đảm bảo lợi ích của DN khi có sự cố xảy ra.

Thứ hai, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu. Mỗi quốc gia có các yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa…Do đó, DN cần dịch vụ pháp lý hỗ trợ về chứng nhận xuất xứ, nhãn mác, kiểm định chất lượng để tránh bị từ chối nhập khẩu hoặc bị xử phạt.

Thứ ba, tư vấn về phòng vệ thương mại. Các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đang có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU. Các DN cần tìm kiếm các đơn vị luật có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để sẵn sàng ứng phó. Bên cạnh đó, DN cũng cần được tư vấn về chiến lược giá, hồ sơ kế toán và hệ thống quản lý để đảm bảo tuân thủ các quy định phòng vệ thương mại.

Thứ tư, về tư vấn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều DN xuất khẩu chưa quan tâm đúng mức đến đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại thị trường nước ngoài, dẫn đến nguy cơ bị sao chép, giả mạo. DN cần dịch vụ tư vấn pháp lý để đăng ký bảo hộ sớm và có biện pháp xử lý khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, tư vấn xử lý tranh chấp và giải quyết khiếu nại. Khi phát sinh tranh chấp, DN cần có sự hỗ trợ của luật sư để giải quyết bằng đàm phán, hòa giải hoặc trọng tài thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi và hạn chế tổn thất. Các công ty luật có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp quốc tế sẽ giúp DN có phương án ứng phó hiệu quả hơn.

Thực tế đó, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp. Trong suốt thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ pháp lý được tổ chức liên tục, thường xuyên với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và được đánh giá cao về chất lượng xây dựng, tổ chức và hiệu quả, thiết thực. Kết quả hoạt động hỗ trợ pháp lý của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp ngày càng được lan tỏa rộng rãi và được ghi nhận bởi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Theo TS. Hồ Minh Sơn – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, các tổ chức xã hội, xã hội ngành nghề, đơn vị cầu nối cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: "DN nhỏ và vừa thiếu vắng cán bộ chuyên trách về mặt pháp lý và việc kết nối với các tổ chức ngành nghề tư vấn pháp lý chưa nhiều nên công tác tư vấn pháp lý cho DN cần tiếp tục được đẩy mạnh cả về bề rộng và bề sâu, để chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật để họ tạo thói quen tuân thủ pháp luật trong kinh doanh…Những hoạt động hỗ trợ hết sức thiết thực không chỉ của Ngành Tư pháp mà của tất cả các cơ quan, ban ngành của các địa phương trên cả nước trong thời gian qua đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kết quả đó góp một phần không nhỏ giúp các địa phương đạt về chỉ số cạnh tranh….

Tin rằng, trong thời gian tới Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác nhịp cầu nối và đặc biệt Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm; Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn đơn vị pháp lý hỗ trợ cho cộng đồng Doanh nghiệp sẽ tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực và phối hợp xây dựng, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ, triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Ngọc Hải – Trần Sanh

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp