Chìa khoá nâng tầm giá trị nông sản trong mô hình liên kết sản xuất, đột phá từ hợp tác công tư

09/05/2025 12:09

Hiện nay, khoa học – công nghệ được coi là xương sống và trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất cũng là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, tạo ra những sản phẩm nông sản tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng, sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân…ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã vượt qua khó khăn. Nông nghiệp Việt Nam vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng; nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh, chủ lực tiếp tục được mở rộng thị trường. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt nhiều kỷ lục mới.

Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7% ; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD (tăng 1 sản phẩm so với năm 2023).

Nông dân Đặng Xuân Tĩnh trong một lần thu hoạch khoai tây tại Đơn Dương (Lâm Đồng)

Qua đó, năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đặt nền tảng cho sự bùng nổ của công nghệ số - động lực cốt lõi thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chiến lược này không chỉ tập trung vào xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, mà còn thúc đẩy sự phát triển của nông thôn hiện đại và nâng cao trình độ của người nông dân.

Cùng với đó, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã xác định nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực trọng điểm cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Điều này khẳng định tầm quan trọng của công nghệ số trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đoàn công tác của Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam thường xuyên tham quan các trang trại, hoạch định chiến lược thị trường, truyền thông và hỗ trợ pháp lý cho các hội viên. 

Do đó, trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, mô hình liên kết sản xuất là tiêu thụ khoai tây theo hướng giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh hiệu quả vượt trội ngay từ vụ đầu triển khai. Thành công này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, mà còn mở ra cơ hội giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu khoai tây chất lượng cao.

Ts. Hồ  Minh  Sơn  - Viện  trưởng  Viện  IMRIC  trong  một  lần  đi  thực  nghiệm  tại  nhà  kính trồng  cây theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, sản lượng khoai tây nội địa hiện chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu, buộc Việt Nam nhập khẩu hàng năm từ Úc, Mỹ, Trung Quốc với chi phí cao. Trong khi đó, năm 2024, Nhóm Đối tác công tư (PPP) về Rau quả do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN&PTNT) chủ trì, cùng PepsiCo Việt Nam và Syngenta triển khai mô hình canh tác khoai tây bền vững tại các tỉnh phía Bắc. Kết quả bước đầu gây ấn tượng khi năng suất đạt 23-26 tấn/ha, cao hơn 8 tấn so với phương pháp truyền thống.

Gần đây, mô hình kết hợp công nghệ tưới tiết kiệm, drone phun thuốc và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp giảm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 3.170 m³ nước/ha. Đây cũng là bước tiến phù hợp với chiến lược nông nghiệp xanh của Chính phủ". Kể từ năm 2019, PepsiCo và Syngenta đã thí điểm mô hình tại Tây Nguyên, nâng diện tích từ 400 ha lên 1.700 ha vào 2024, với năng suất 30-34 tấn/ha. Thành công này tạo tiền đề để mở rộng ra miền Bắc, nơi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với giống khoai FL2215. Đây là minh chứng cho tiềm năng của PPP trong nông nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng mô hình sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050".

Trang  trại  hoa  lan  Denro nhập  khẩu  của  Trang  trại  Mai  Quốc  Bình  Dương  đơn  vị  phát  triển  tốt  mô  hình  trang  trại  hữu  cơ .

Dự kiến, năm 2026, mô hình sẽ mở rộng lên 2.000 ha với sự tham gia của 1.000 hộ nông dân. Song song đó, bước đệm để ngành khoai tây Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi PepsiCo đặt mục tiêu xuất khẩu khoai tây chế biến sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tin rằng, bằng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây bền vững không chỉ giải bài toán năng suất mà còn góp phần định hình nền nông nghiệp tuần hoàn, ít phát thải. Thành công từ PPP một lần nữa khẳng định: Khi nhà nước, doanh nghiệp và nông dân cùng chia sẻ tri thức và lợi ích, nông sản Việt hoàn toàn có thể vươn tầm quốc tế…

Ngọc Hải

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp