Đoàn dâng hương khởi hành lên núi Nghĩa Lĩnh (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Lễ hội Đền Hùng năm nay, diễn ra vào ngày 7 tháng 4 năm 2025 (tức mùng 10 tháng Ba âm lịch), mang ý nghĩa đặc biệt trong dòng chảy truyền thống của dân tộc. Giữa một thời đại chuyển mình với nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, lễ hội vẫn giữ được vẻ linh thiêng, trang trọng, trọn vẹn với đầy đủ nghi lễ truyền thống kết hợp hài hòa cùng những hoạt động văn hóa đậm đà bản sắc.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước dự Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng năm Ất Tỵ 2025 (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lễ dâng hương chính thức được tổ chức trọng thể tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, dưới sự chủ trì của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Trong không gian linh thiêng, tiếng nhạc lễ ngân vang, trống chiêng vọng về như đánh thức cả trời đất, gợi lại khí thiêng sông núi ngày mở nước. Lễ vật dâng lên Tổ tiên được chuẩn bị trang trọng, gồm bánh chưng, bánh giầy – biểu tượng của văn hóa lúa nước, của triết lý vũ trụ và lòng biết ơn sâu sắc; cùng hoa quả, trầu cau, hương hoa tươi thắm thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
… với nội dung ca ngợi công đức các Vua Hùng, tinh thần đoàn kết, yêu nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc
Không chỉ dừng lại ở phần lễ, phần hội của Lễ hội Đền Hùng năm nay mang đến bức tranh văn hóa rực rỡ sắc màu. Hòa trong không khí hân hoan là những tiết mục nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc từng vùng miền: điệu xoè rộn ràng của đồng bào Tây Bắc, tiếng trống hội vang dội khắp đồng bằng Bắc Bộ, làn điệu quan họ ngọt ngào từ Kinh Bắc, cùng những màn trình diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi tiết mục không chỉ là lời chào mừng, mà còn là sự kết nối của quá khứ và hiện tại, của truyền thống và đương đại.
Bên cạnh các hoạt động chính, lễ hội còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như hội trại văn hóa thanh thiếu niên toàn quốc, triển lãm di sản Hùng Vương, hội thi gói bánh chưng – bánh giầy, trưng bày sản phẩm đặc sản các vùng miền, trình diễn thư pháp, trò chơi dân gian…
Lễ hội Đền Hùng không chỉ là dịp tưởng nhớ công ơn dựng nước của tổ tiên, mà còn là cơ hội để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước từ những điều giản dị nhất: một nén hương, một cành hoa, một lời khấn vọng. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như Lễ hội Đền Hùng càng trở nên có ý nghĩa, là điểm tựa tinh thần, là sợi dây liên kết quá khứ – hiện tại – tương lai, là bản sắc làm nên sức mạnh mềm của một dân tộc.
Tuấn Việt - Mạnh Cường/ Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam