Một trong những đột phá mang tính nền tảng là nhận thức đúng đắn về kinh tế thị trường. Đây không chỉ là sự lựa chọn mô hình phát triển mà còn là sáng tạo lý luận độc đáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kết hợp giữa quy luật thị trường và vai trò điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa bảo đảm mục tiêu công bằng, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững. Từ lý luận này, các chính sách kinh tế được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện phát triển khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, mở cửa thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc hàng trăm tỷ USD, thu hút đầu tư FDI liên tục dẫn đầu khu vực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Việt Nam ngày nay là thành viên năng động của ASEAN, APEC, WTO, CPTPP và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP…
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bên cạnh đó, một trong những trụ cột quan trọng để tạo động lực phát triển trong giai đoạn hiện nay là cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã xác định rõ mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngày 12/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Việc thực hiện chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã), giảm cấp trung gian (cấp huyện) trong một số mô hình thí điểm đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, giảm trùng lặp, tiết kiệm nguồn lực và tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở. Đây là bước tiến mạnh mẽ nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, giảm chi thường xuyên, đồng thời tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2025, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia – Hoa Kỳ ngày 23/9/2024. Nguồn: VOV
Song hành với cải cách nội bộ, Việt Nam cũng không ngừng nâng tầm chính sách đối ngoại, trong đó nguyên tắc “bốn không” là kim chỉ nam để bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc trong quan hệ quốc tế. Chính sách này bao gồm:
(1) Không tham gia liên minh quân sự,
(2) Không liên kết với nước này để chống nước kia,
(3) Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác,
(4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Nguyên tắc này giúp Việt Nam giữ thế cân bằng khôn khéo, đặc biệt giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì đối thoại, đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng pháp lý và ngoại giao, đồng thời giữ ổn định quan hệ láng giềng. Với Hoa Kỳ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được nâng lên tầm cao mới nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ. Cách tiếp cận “ngoại giao cây tre” - mềm dẻo nhưng kiên định - đang cho thấy hiệu quả trong một thế giới đa cực, đầy biến động.
Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, việc bảo vệ vững chắc cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc gia là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài. Sự nghiệp đổi mới không chỉ là quá trình phát triển kinh tế thuần túy mà còn là quá trình hoàn thiện thể chế chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ổn định xã hội và khơi dậy khát vọng dân tộc. Đó là cuộc hành trình vì tương lai độc lập, tự cường và phát triển bền vững của đất nước.
Trong gần 40 năm qua, từ tư duy đổi mới đến hành động thực tiễn, từ cải cách kinh tế đến hiện đại hóa quốc phòng, từ xây dựng Nhà nước pháp quyền đến mở rộng dân chủ và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã minh chứng cho thế giới thấy được một mô hình phát triển “không rập khuôn”, vừa kế thừa, vừa đổi mới, dựa trên nền tảng tư tưởng kiên định và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng.
Thái Quý – Thái Vinh