Vườn xoài, quýt điểm đến ấn tượng
Xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung là những cái tên quen thuộc đối với người dân Đất sen hồng. Những năm qua, Đồng Tháp đưa nhiều loại cây trồng vào tổ chức lễ hội, tăng cơ hội để cho địa phương khai thác du lịch nông nghiệp. Dựa trên những thế mạnh vốn có, nhiều nhà vườn trồng xoài, sen và quýt đã mạnh dạn đầu tư làm điểm đến để đón khách.
Người dân khai thác du lịc từ cây xoài tại Đồng Tháp - Ảnh Minh Châu
Hiện nay, xoài là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, xoài phân bố rộng tại các huyện, thành như: huyện Cao Lãnh, TP Cao Lãnh… Diện tích trồng xoài của địa phương khoảng 14.841 ha; sản lượng đạt 166.502 tấn/năm; xếp thứ 2 khu vực ĐBSCL về sản lượng; Chiếm 18% diện tích trồng xoài khu vực. theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, đạt chứng nhận OCOP,...; được cấp mã vùng trồng.
Trong khi đó, tại huyện Lai Vung nơi nổi tiếng trồng quýt hồng, mặc dù diện tích không được như xoài, nhưng những năm trở lại đây, nhiều gia đình đã mạnh dạn trồng quýt hồng đưa vào khai thác du lịch. Hiện nay, Lai Vung có hơn khoảng 200 ha quýt hồng, sản lượng ước đạt 5.000 tấn, tập trung các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long, Hòa Thành và Vĩnh Thới, dự kiến thời gian tới diện tích trồng quýt hồng đang được tăng thêm.
Anh Đào Nhật Linh – tỉ mĩ chăm sóc từng cây quýt hồng để đón khách du lịch -Ảnh Minh Châu - Minh Châu
Ông Nguyễn Văn Mách, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, vườn xoài rộng hơn 8.000 m2 với chủ yếu xoài Cát Chu, vườn nhà ông mở cửa đón khách tháng 4/2022 và đến nay đã đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.Khách đến tham quan vườn xoài sẽ được trải nghiệm các công đoạn chăm sóc xoài như: cuốc đất, cắt tỉa cành, bao trái, tham gia trò chơi đóng gói xoài xuất khẩu v.v. và thưởng thức những quả xoài chín mọng hoặc những món ăn hấp dẫn từ xoài như: Kem xoài, xôi xoài, sinh tố xoài, xoài sấy v.v..
Anh Đào Nhật Linh, ngụ ấp Long Thuận, xã Long Hậu cho biết, anh trồng 300 gốc quýt hồng xen canh với 1.000 gốc quýt đường trên diện tích khoảng 20.000m2, chi phí đầu tư ban đầu lên tới hơn cả tỷ đồng, những năm trở lại đây, nhất là thời điểm quýt hồng chín, thì gia đình anh mở cửa phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ gia đình ông Mách trồng xoài, anh Linh trồng quýt hồng mà nhiều người dân tại tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư, thay vì lối kinh doanh cũ, chuyển sang trồng và kinh doanh du lịch, tạo ấn tượng đối với du khách trong và ngoài tỉnh.
Trải nghiệm thú vị
Chị Lê Thị Vân, một du khách từ TP Hồ Chí Minh cho biết, khi đến Đồng Tháp chỉ nghĩ rằng ở đây toàn sen, sau khi các bạn hướng dẫn viên giới thiệu những điểm trồng xoài, trồng quýt hồng có thể ghé tham quan trải nghiệm. Ai cũng hào hứng để đi tham quan.
Khách du lịch thích thú chụp hình tại vườn quýt hồng của người dân
Trải nghiệm khám phá, những vườn xoài tại huyện Cao Lãnh, một bạn trẻ đến từ Cần Thơ cho biết, khi tham quan những vườn xoài dưới thời tiết nắng nóng thật thích thú, tạo một cảm giác sảng khoái, giải tỏa được cơn nắng. Ngoài ra còn trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí và ẩm thực đậm chất miền Tây.
Nhiều chủ nhà vườn trồng xoài và quýt hồng chia sẻ, làm du lịch trải nghiệm vất vả hơn sản xuất nông nghiệp thuần túy, phải chăm sóc tỉ mĩ, chăm chút, nâng niu từng gốc cây đến việc đơm hoa, kết trái, tạo cảnh quan bắt mắt để thu hút khách.
ÔngĐoàn Văn Kiệt, chủ nhà vườn quýt hồng tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết, trước đây chưa mở cửa đón khách thì chỉ làm công việc chăm sóc, nhưng khi mở cửa đón khách, một mình làm nhiều việc vừa kiêm cả hướng dẫn viên du lịch và dọn vườn. Đến mùa quýt hồng chín mỗi ngày nhà vườn ông đón hàng ngàn lượt khách tham quan trải nghiệm.
Bà Hồ Huê Thu Hằng – Trưởng phòng Văn hóa, thông tin TP Cao Lãnh cho hay, Trên địa bàn TP có nhiều nhà vườn trồng xoài làm điểm du tham quan du lịch, nhưng nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và kỹ năng nên các nhà vườn vẫn hoạt đồng du lịch chưa thực sự hiệu quả như ở các địa phương khác.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như "Sen Tháp Mười", "Xoài Cao Lãnh", "Cá Tra Hồng Ngự", "Hoa Sa Đéc", "Quýt Hồng Lai Vung", "Nhãn Châu Thành", từ đó định hướng phát triển không gian, sản phẩm và tuyến phát triển du lịch
Hồ Thị Thanh Hương