Hà Tĩnh: Hướng tới một "Nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"

23/01/2025 10:25

Trước những thách thức do thời tiết, khí hậu biến đổi cực đoan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh đã, đang tích cực “ứng phó” chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hành trình này không chỉ tạo ra những giá trị mới mà còn là mục tiêu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại - tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Những kết quả làm nên kỳ tích

Tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 66,61 vạn tấn, tăng 3,18 % so với năm 2023 (tăng 2,6 vạn tấn).

Chia sẻ về những thành quả của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh trong một năm qua, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Văn Việt cho biết: Năm 2024, sản xuất nông nghiệp được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ tốt, tăng trưởng toàn ngành đạt cao nhất trong những năm gần đây, ước đạt 3,8% (năm 2022 là 1,2%, năm 2023 là 2,99%), các mô hình nông nghiệp an toàn, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết chuỗi được nhân rộng (có hơn 1.290 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP, 17 cơ sở được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản xuất theo hướng hữu cơ hơn 291 ha,…), công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đạt kết quả khá, như công tác PCCCR, phòng chống thiên tai, thú y, bảo vệ thực vật,... Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả  quan trọng. Nên đến nay toàn tỉnh đã có 181/181 xã đạt chuẩn NTM/ (100%), trong đó có 66 xã chuẩn NTM nâng cao (36,5%), 17 xã chuẩn NTM kiểu mẫu (9,4%), 10/13 đơn vị cấp huyện được công nhận chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 1.210/1.626 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu (74,4%). Dự kiến đến cuối năm 2024 tỉnh Hà Tĩnh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Năm 2024, ngành NN&PTNT tăng trưởng đạt trên 2,8% (vượt mục tiêu 2,5%), giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 100,5 triệu đồng/ha, duy trì tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,58%. Về trồng trọt đây là một năm được mùa, được giá toàn diện, vì thế giá bán cao hơn so với các năm trước. Riêng tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 66,61 vạn tấn, tăng 3,18 % so với năm 2023 (tăng 2,6 vạn tấn).

Nhờ tập trung, tích tụ ruộng đất đã hình thành các vùng sản xuất tập trung với những cánh đồng “thẳng ánh cò bay”. Ảnh: Đình Nhất

Cũng theo ông Việt, Nói về tích tụ ruộng đất, chuyển đổi số vào nông nghiệp, các địa phương cũng đã tập trung, tích tụ ruộng đất đi vào chiều sâu, cho hiệu quả rõ nét với diện tích đạt 10.120,35 ha. Sau tích tụ đã hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện cơ giới hóa, điều tiết thủy lợi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Ngày càng nhiều cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ

Về ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng trọt được quan tâm, tạo chuyển biến cho người nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 1.296,56ha/141 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; 17 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 93,52 ha,…

Chăn nuôi tiếp tục kiểm soát tốt các dịch bệnh, tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì về quy mô, chất lượng đàn và sản lượng thịt xuất chuồng tăng nhẹ, ước đạt 116.224 tấn (tăng 4,4% so với năm 2023). Các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng. Lâm nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt kết quả khá. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 59.345 tấn, tăng 5,12 % so với năm 2023.

        Một góc xã Nông thôn mới kiểu mẫu Hương Trà

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai quyết liệt. Từ đầu năm đến nay, có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Chương trình OCOP tiếp tục đi vào chiều sâu. Từ đầu năm đến nay đã công nhận được 29 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sinh thái

Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn Hà Tĩnh được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn

 Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết thêm, năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Theo đó, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và định hướng về nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sinh thái, hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, chuyển mạnh sang phát triển kinh tế nông nghiệp lấy thị trường, khoa học công nghệ và liên kết với doanh nghiệp thông qua các HTX, tổ hợp tác là động lực, lựa chọn cây, con có lợi thế, đặc hữu tiến đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn theo lộ trình. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nhằm tạo bước đi táo bạo và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững theo định hướng của Bộ NN&PTNT và nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX”.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nguyễn Trí Hà cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000 ha cây trồng các loại được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, 8 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. Trên địa bàn toàn tỉnh có 28 cơ sở được chứng nhận HACCP, GMP, tiêu chuẩn ISO 22000,... còn hiệu lực. Trong đó, 8 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận HACCP; 16 cơ sở chế biến nông sản, thủy sản có giấy chứng nhận GMP và 4 cơ sở chế biến giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO.

Nuôi trồng thuỷ sản – một trong những thế mạnh của người dân vùng bãi ngang Hà Tĩnh

 Hiện toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất trồng trọt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích 93,52 ha, từng bước mở rộng chuỗi liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ với Tập đoàn Quế lâm với một số doanh nghiệp khác đầu tư các sản phẩm lúa gạo, lợn. Riêng về lĩnh vực trồng trọt có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ cấu lại cây trồng theo hướng tăng diện tích với lợi thế của từng địa phương và theo nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh nhằm hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất, nhiều mô hình đã được hình thành và phát triển trên quy mô lớn, nhiều mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng.

Năm 2024, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã để vũng vàng vượt qua, và gặt hái được những kết qủa toàn diện, tạo tiền đề, hành trang bứt phá bước sang năm mới 2025 và những năm tiếp theo, phấn đấu đến cuối năm 2025 kết thúc Nhiệm kỳ Hà Tĩnh sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 321 của Thủ tướng Chính phủ.

 Anh Bình

Bài được đăng trên số Đặc biệt xuân Ất Tỵ Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam

Nguồn tin bài:
Dành cho doanh nghiệp