Cựu nhân viên Vietcombank hưởng lợi 8,2 tỉ đồng qua 'Chuyến bay giải cứu'

25/12/2024 15:44

Nhận hơn 15 tỉ đồng của các doanh nghiệp rồi chuyển cho Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế (Đỗ Xuân Tuyên) hơn 7,3 tỉ đồng để xin cấp phép các “Chuyến bay giải cứu”, nữ nhân viên Vietcombank đã hưởng lợi bất chính hơn 8,2 tỉ đồng.

Ngày 24/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong giai đoạn 2 vụ án “Chuyến bay giải cứu”. HĐXX đã làm rõ hành vi trục lợi của các bị cáo trong vụ án Đưa, Nhận hối lộ liên quan đến việc tổ chức các “Chuyến bay giải cứu” để đưa các công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.

Trong giai đoạn 2 của vụ án này, bị cáo Trần Thanh Nhã (SN 1991, trú tại Khu đô thị Sala, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), cựu nữ nhân viên Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, để xin cấp phép các chuyến bay cho doanh nghiệp.

Bị cáo Trần Thanh Nhã trước bục khai báo.Bị cáo Trần Thanh Nhã trước bục khai báo.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 1/2021, Trần Thanh Nhã liên hệ, trao đổi, thỏa thuận nhờ Phạm Trung Kiên (Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã bị đưa ra xét xử trong giai đoạn 1 của vụ án) giúp để có văn bản chấp thuận của Ban Chỉ đạo cho công dân Việt Nam ở nước ngoài được về nước trên chuyến bay đơn lẻ, với chi phí từ 10 đến 15 triệu đồng/công dân, một số ít trẻ em chịu chi phí 7 triệu đồng/công dân.

Bị cáo Trần Thanh Nhã đã trao đổi lại với bị cáo Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty Top Agent Japan), biết việc Nhã có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước với mức phí từ 10 đến 35 triệu đồng/công dân nên đã nhờ Nhã giúp đỡ.

Sau đó, Đặng Nhật Đức đã trực tiếp nhận hồ sơ của công dân hoặc thông qua bị cáo Phạm Quốc Thắng, Trần Thị Ngân (Chủ tịch Công ty Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) và thỏa thuận chi phí từ 25 đến 160 triệu đồng/công dân. Các bị cáo Thắng và Ngân đã tập hợp hồ sơ của các công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên từ 100 USD đến 500 USD/công dân so với chi phí Đức yêu cầu để hưởng lợi.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, Trần Thanh Nhã đã thỏa thuận và đưa hối lộ hơn 7,3 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên để có được văn bản chấp thuận cho công dân về nước. Các văn bản này ngay khi ban hành sẽ được Kiên chụp ảnh, gửi cho Nhã và bị cáo này gửi lại cho các doanh nghiệp để họ chuyển cho công dân, chuẩn bị về nước. Bằng thủ đoạn, hành vi phạm tội nêu trên, bị cáo Trần Thanh Nhã hưởng lợi bất chính số tiền hơn 8,2 tỉ đồng và hiện đã nộp lại toàn bộ số này.

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Thanh Nhã khai quen Phạm Trung Kiên khi làm nhân viên tại ngân hàng Vietcombank. Nữ bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc, chỉ xin bổ sung sau một số chứng cứ liên quan đến số tiền hưởng lợi bất chính.

Luận tội các bị cáo tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội nêu, căn cứ lời khai của Phạm Trung Kiên khai đã nhận 7.397.000.000 đồng của Trần Thanh Nhã để duyệt cấp phép cho khách lẻ về nước; lời khai của Trần Thanh Nhã thừa nhận đưa hối lộ 7.397.000.000 đồng cho Phạm Trung Kiên để xin văn bản duyệt cấp phép cho 461 công dân về nước, hưởng lợi số tiền hơn 8,2 tỉ đồng. Hiện, bị cáo Nhã đã nộp lại toàn bộ số tiền này để khắc phục hậu quả.

Nguồn gốc số tiền để đưa hối lộ nêu trên là do Đặng Nhật Đức chuyển cho Nhã. Đức được hưởng lợi hơn 3,1 đồng; cả Nhã và Đức đều khai nhận số tiền hơn 7,3 tỉ đồng là tiền chi phí dịch vụ xin cấp phép cho công dân về nước.

Đồng thời, căn cứ vào sao kê tài khoản, các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án xác định, Trần Thanh Nhã đã đưa hối lộ số tiền hơn 7,3 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên; Đặng Nhật Đức đồng phạm với Trần Thanh Nhã đưa hối lộ.

Căn cứ vào hành vi, tính chất, mức độ phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Nhã từ 3 – 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" giai đoạn 1, Phạm Trung Kiên đã bị xét xử và bị tuyên phạt mức án chung thân về tội "Nhận hối lộ". Cơ quan tố tụng xác định, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần, với tổng số hơn 40 tỉ đồng.

Dành cho doanh nghiệp